Sự nhàm chán của việc lớn lên

Có phải ai lớn lên cũng mong một lần bé lại? Không chắc lắm nhưng rõ ràng là bất cứ ai cũng không ít lần mong trốn thoát khỏi thực tại để trở về quá khứ. Điều gì khiến việc lớn lên trở nên nhàm chán như vậy? Hay cơ bản là do chính bản thân chúng ta nhàm chán?

Nhớ lại một chút về tuổi thơ mà ai cũng muốn một chiếc vé quay lại. Sáng sáng cắp sách cắp mông đi học. Xung quanh là 30 – 40 bạn bè đồng trang lứa, hay nói lớn hơn là cả nghìn học sinh trong cùng một khuôn viên nhà trường. Một buổi party của công ty cỡ bự cũng chỉ đến thế là cùng (vài chục người), vậy mà hồi nhỏ chúng ta tiếp xúc với lượng người như vậy hàng ngày, suốt 12 năm. Kể ra không vui cũng phí. Tất nhiên so sánh sẽ khập khiễng giữa học – chơi và cũng có rất nhiều người không tìm được niềm vui ở nhà trường, thậm chí một vài trường hợp bị trầm cảm. Nhưng dù sao đi nữa, ở tuổi đi làm, hiếm khi nào được tiếp xúc nhiều người như vậy. Và bản chất con người luôn cần sự kết nối với những người khác, chỉ là ít hay nhiều. Việc tiếp xúc với nhiều tính cách khác nhau luôn khiên cuộc sống trở nên đa dạng và bớt nhàm chán. Cảm xúc cũng từ đó mà sinh ra, vui có buồn có, bực có ghét có. Khi càng lớn ta biết càng nhiều. Dạng người này, kiểu người kia ta đều biết cả. Không còn gì bất ngờ, không còn nhiều khác biệt. Để thấy được điều hay ho ở mỗi người thì cần phải tìm hiểu và trò chuyện nhiều hơn. Bởi đâu phải ai cũng mở lòng sống thật từ những lần đầu tiên đâu. Riết rồi nhiều người có những lớp mặt nạ giống nhau, những rào cản về tâm lý rào trước đón sau khiến việc kết nối giữa người với người trở nên khó khăn. Và việc tháo bỏ từng lớp rào cản để kết nối với nhau cứ thế lặp đi lặp lại, trở nên nhàm chán.

pexels-photo-106258

Có những người luôn nói (hoặc luôn nghĩ) thuở nhỏ chơi sướng, không áp lực nhiều, không stress, không bộn bề toan tính. Có thật vậy không? Chẳng phải hồi nhỏ cũng từng nghĩ lớn lên sẽ làm điều mình thích? Rồi học hành, điểm số, gia đình cũng đều là áp lực vậy. Điều khác biệt duy nhất là lúc còn nhỏ bạn không phải trả giá cho những sai lầm, hoặc có thì cái giá cũng không đắt lắm. Bạn làm bài điểm thấp? Cùng lắm là bị la mắng vì mê game. Còn nếu bạn làm việc không tốt? Công ty phải trả giá bằng tiền. Tiền đó không chỉ là tiền của sếp, đó còn là tiền của đồng nghiệp và chính bạn. Mọi việc bạn làm đều có ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Vậy nên nếu phạm sai lầm thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Đặc biệt nếu phạm sai lầm lớn, nhiều khả năng bạn sẽ phải dùng nhiều năm kế tiếp để sửa chữa sai lầm đó. Có những sai lầm phải trả những cái giá rất đắt. Ngược lại, ở tuổi học sinh bố mẹ sẽ “bảo kê” bạn, xã hội cũng sẽ làm điều tương tự. Bạn sẽ được phép sai lầm nhiều hơn. Mục đích cuối cùng có lẽ để sau này lớn lên bạn sẽ không phạm phải những sai lầm đắt giá. Vậy nhé, rõ ràng áp lực tuổi học trò chỉ là…muỗi.

Nhưng suy cho cùng, cuộc sống nhàm chán hay chính bản thân ta dần trở nên nhàm chán? Đã bao lâu ta chưa làm điều ngốc ngếch. Đứng trước những tiêu chuẩn của xã hội liệu mấy ai dám bước ra để trở thành chính mình? Loài người cứ ngày ngày làm những việc lặp đi lặp lại không chút băn khoăn hệt như một bài hát được reply hàng trăm, hàng ngàn lần. Chúng ta đã dành ra 20 năm đầu cuộc đời để học hành, 30 năm để ngủ và những ngày tháng còn lại dành cho những điều nhàm chán? Nghe tệ thật. Có lẽ nên thay đổi điều đó một chút. Ngày mai, thử đi một con đường mới xem sao? Sẵn tiện làm luôn danh sách những nơi muốn đến, những món muốn ăn. Sau đó hẹn cà phê một người bạn đã không liên lạc từ lâu. Trước khi đi thì dọn nhà một chút, gom hết đồ thừa đi tặng hoặc vứt bớt, vứt luôn muộn phiền. Tóm lại là làm một điều gì đó đã lâu ta chưa làm. Biết đâu đấy, bằng cách này hay cách khác, khi ta nhận thức được cuộc sống hiện tại đang trở nên nhàm chán thì bộ não thiên tài ấy sẽ tự động tìm ra lời giải.

Bạn ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời?

 

Comment